Chánh Tín và Mê Tín |
Sau thời gian tạo Thiên lập Địa, khởi thủy có con người sinh ra tại quả địa cầu này. Trong thời kỳ khởi nguyên của nhân loại, con người còn chất phác thuần lương, hồn hồn ngạc ngạc, tâm tính hòa đồng với thiên nhiên. Mọi biến chuyển, mọi hiện tượng của thiên nhiên trước con người chất phác không thể đoán biết vì ngoài sức tưởng tượng của họ. Bao nhiêu sự sợ sệt lo âu tự nhiên phát khởi trong lòng. Đó cũng là mầm tín ngưỡng đã phát sinh nơi nội tâm của con người. Từ đó và những thời gian kế tiếp, mỗi một trình độ, mỗi giống dân cũng như mỗi con người đều có mỗi tư tưởng và tín ngưỡng khác nhau tùy theo hoàn cảnh và ngộ nhận của họ.
Do đó đã nảy sinh ra nhiều sắc thái sùng kính tôn trọng thờ phượng khác nhau. Song song với giai đoạn và kỷ nguyên đó, Thượng Đế đã cho các vị Giáo Chủ đến trần gian, chơn linh nhập vào thể xác của giống người thế gian, đem nguồn giáo lý chân chánh để hướng dẫn người đời biết cách đối xử và ăn ở với nhau cho thuận lẽ Đạo tức là hạp lòng Trời .Từ đó, mỗi một giai đoạn đều có mỗi một tôn giáo phát sinh để hướng dẫn người đời tùy theo trình độ tiến hóa của họ mà dẫn dắt họ lần lần trên đường đạo lý. Tuy nhiên, ánh sáng thái dương tuy rọi khắp cùng nhưng không thể soi vào chậu úp .
Đạo giáo cũng trong định luật đó, vì vậy còn có những lớp nhân sanh không may mắn được thọ nhận chơn truyền, do đó nảy sanh tình trạng không đồng đều về sự tín ngưỡng.
Từ cổ chí kim, trong lãnh vực tín ngưỡng của con người, có thể chia ra làm hai lãnh vực:
2) Là tín ngưỡng theo quan niệm trong phạm vi ma quỉ.
Lãnh vực thứ nhứt, quan niệm về tôn giáo, người ta hiểu như vầy: trong thế giới thiêng liêng có ba giai tầng, đó là : Thượng giới: Tin; Trung giới: quỉ; Hạ giới: tà.
Người đã đặt mình vào một tôn giáo luôn luôn có quan niệm chọn lọc tin tưởng và hướng về thượng giới trong đó có chư Phật Tiên Thánh là những vì Thiêng Liêng thay mặt Thượng-Đế dìu dẫn giáo dục nhân loại trên các phương diện về nhân sinh, nhân trí và nhân đức.
Nhân sinh gồm có các ngành canh nông, ngư nghiệp, kinh tế, xã hội.
Nhân trí gồm có các ngành văn hóa, giáo dục, kỹ thuật, mỹ thuật, văn nghệ, khoa học, kỹ hà học…
Nhân đức gồm có công dân giáo dục, đạo lý, nói chung là tôn giáo hay là đạo đức.
Tóm lại, quan niệm về Thượng giới tin có toàn là các Đấng trọn lành giúp Thượng-Đế để bảo tồn nhân loại theo tiêu chuẩn thuần lương, nhân nghĩa, từ bi, bác ái, vị tha. Do đó người tín hữu của mỗi tôn giáo có quan niệm chân chính là luôn luôn phải hướng về Thượng-Đế theo luật bảo tồn, đem quan niệm ấy lồng vào mọi nếp sinh hoạt thường nhật của mình cho hạp với ý Trời ấy là thuận lẽ Đạo.
Nói rõ hơn, những người có quan niệm chân chính về đạo lý là hằng ngày luôn luôn khép mình trong nếp sống đạo lý, trong đó có đức hy sinh, khoan dung, bác ái, vị tha, từ bi, hỉ xả, thương người không được thì thôi chớ không được phép ghét người, giúp người không được thì thôi chớ không được phép hại người. Vì Tạo-Hóa là đức háo sanh, trái ngược với tiêu diệt. Ai muốn được Tạo-Hóa bảo tồn thương yêu phù trợ mình thì hãy cố gắng ăn ở xử thế và làm theo ý của Đấng Tạo Hóa. Mọi việc làm luôn luôn cân nhắc và xét nét xem coi việc ấy có tổn đức và trái đạo lý thì tránh, còn thuận đạo lý thì làm.
Lãnh vực thứ hai là tín ngưỡng theo quan niệm về ma quỉ. Đây là nhắm vào lớp người tuy tin tưởng vào thế giới thiêng liêng nhưng đã tin ở hạ đẳng cấp thiêng liêng. Đó là lớp người không vào một tôn giáo nào, hoặc một thiểu số ở một tôn giáo nào đó, nhưng đã tín ngưỡng lệch lạc với chơn truyền của tôn giáo mình. Lớp người này vẫn tin tưởng rằng ngoài thế giới hữu hình tại trần gian đây như những điều mắt thấy tai nghe và rờ mó được lại còn có thế giới vô hình, tai không nghe, mắt không thấy, rờ mó không đụng. Đó là phần thiêng liêng như linh hồn con người, hoặc ma quỉ Thần Thánh Tiên Phật.
Thường thường mọi nếp sinh hoạt hằng ngày lớp người này hay tin tưởng trông cậy vào hạ đẳng cấp Thiêng Liêng như hồn người chết hoặc ma quỉ đến lớp Thần là cùng. Vì họ nghĩ rằng đẳng cấp thiêng liêng này dễ hòa đồng và gần gũi với người sống hơn, dễ mời thỉnh, dễ vái van, dễ cầu cứu hơn thượng đẳng cấp Thiêng Liêng. Do đó, mỗi khi có việc gì xảy đến cho mình mà trí phàm hoặc óc họ không thể xét đoán được, phải vái van cầu khẩn, triệu thỉnh đến sự hộ trì giúp đỡ ở phần thiêng liêng này, miễn là đáp ứng được nhu cầu ích kỷ cá nhân hoặc trong phạm vi gia đình của họ như mua bán, cầu quan, cầu tài, cầu lợi, thi cử hoặc bịnh hoạn … để đền đáp lại họ sắm lễ vật cúng tế.
Có nhiều trường hợp, vì quá kính trọng tin tưởng ở sự hộ trì phải lo đền ơn đáp nghĩa, gọi là trả lễ hay trả nợ, họ có thể làm việc phạm vào đạo lý cho ra tiền của để cúng tế, như cho vay cắt cổ đối với người nghèo túng hay bịnh nhân cần tiền thang thuốc, hoặc tham nhũng hối lộ rù rút của công, có thể lũng đoạn nền kinh tế quốc gia, hoặc sát sinh hại vật v.v... Bất cứ một hành động nào miễn là có lợi để làm phương tiện cúng tế trả lễ.
Thương ôi! lớp người này hoặc vì tự cao tự đại, cho rằng mình khôn ngoan khéo léo, chỉ một lời nói, một nháy mắt, một cuộc điện đàm là đã có tiền muôn bạc triệu hoặc biệt thự xe hơi, thì còn cần gì đến tôn giáo đạo đức mà phải trông cậy vào các đấng Phật Tiên Thánh dạy bảo mình. Tự ý nghĩ đó là những chướng ngại vật làm ngăn cách họ vào ngưỡng cửa tôn giáo. Hễ không vào cửa Đạo làm sao được tinh thần hướng thượng đẳng cấp thiêng liêng mà hiểu việc làm cho thuận lẽ đạo.
Để kết luận cho hai lãnh vực tín ngưỡng này, Bần Đạo nêu lên hai danh từ là: Chánh tín và mê tín .
Chánh tín là tin tưởng vào lãnh vực hướng thượng ở thượng đẳng cấp thiêng liêng. Còn mê tín là tin tưởng tín ngưỡng vào hạ đẳng cấp thiêng liêng .
Một khi người ta sùng kính thờ phượng một vị thiêng liêng nào, cần phải hiểu rằng: Tại sao mình thờ phượng sùng kính vị đó. Rồi tìm hiểu câu trả lời sẽ rõ lòng mình nghĩ và làm có hạp đạo lý cùng chăng?
Thí dụ: Thờ phụng sùng kính Đức Phật Thích Ca là đã hiểu hành động của Tất Đạt Đa khi còn là một thái tử đã phế ngai vàng điện ngọc ẩn thân nơi rừng già để tìm một phương pháp tự cứu mình và cứu nhân loại khỏi vòng tứ khổ. Vì cảm mến đức độ của một vị đạo đức chân tu mà thờ phượng sùng kính và dặn lòng hãy làm theo và đối xử với mọi người chung quanh mình như tánh tình đối xử của vị ấy khi còn tại thế.
Còn như thờ Đức Jésus Christ là noi theo đức hy sinh bác ái của người. Thờ Đức Khổng Phu Tử là thán phục và cố gắng làm theo đường lối của người là cách vật trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Chớ đừng nên có quan niệm hẹp hòi ích kỷ mà hiểu rằng hễ càng đem nhiều lễ vật cúng tế thì được nhiều phước đức và sự phù trợ của Đấng ấy. Nghĩ vậy là sai Đạo lý.
Thượng-Đế vì thương chúng sanh trong vòng tội lỗi u đồ nên mới khai Đạo là đem ánh sáng chân lý đến rọi đường dẫn lối cho họ ra chốn quang minh phúc đức. Vì trời đất không riêng với ai, mỗi một cử động, một tư tưởng đều có Thần minh soi xét tất cả, không phải vì đem cúng tế lễ vật mà ban phước, cũng không phải vì thất lễ mà gieo họa xuống cho người đời.
Rất đổi ở tại thế gian hữu thể này mỗi một thế giới sinh vật đều có mỗi thức ăn và phương tiện sống khác nhau, huống hồ chi giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình càng khác xa về phương diện dưỡng sinh.
Một khi trong gia đình nào có người qui liễu, thì lòng mến yêu kính nể có thể sắm lễ vật như hoa quả rượu trà tượng trưng cho tam bửu ngũ khí, chớ đừng sát sinh hại vật mà đem cúng người khuất mặt, ấy là việc làm sai đạo lý.
Còn việc họa phúc đến cho mình cũng không phải là Trời Phật Tiên Thánh vô cớ mà đem đến, chính là phải tự mình làm lấy để mà hưởng. Một thí dụ đơn giản: Trời Phật Tiên Thánh là đấng cầm cân công bằng, tỷ như một chủ nhà băng. Còn con người làm lành làm ác ví như khách hàng đối với nhà băng. Hễ gởi tiền vào nhiều được lãnh ra nhiều, gởi ít thì lãnh ra ít. Nhược bằng vay nợ nhà băng thì phải bị trừ lương hoặc là trát tòa tố tụng.
Việc hữu hình thế gian tuy không phải tuyệt đối như thế giới vô hình, nhưng cũng có nhiều điểm và nhiều trường hợp tương đồng. Bởi vậy nên câu chữ Nho có nói “dương gian âm phủ đồng nhứt lý”.
Ai cũng thương mình, thương gia đình và thân nhân quyến thuộc mình. Hãy tự tu tự tỉnh và phải chọn việc chánh tín mà làm. Có chánh tín mới mong gần được thế giới Trời Phật Tiên Thánh, bằng ngược lại mê tín thì gần với thế giới quỉ ma cùng súc sanh, sớm muộn gì cũng đi vào lục đạo luân hồi, khó mong siêu sanh thượng giới .
Ở đời cũng vậy: làm bạn với người đạo đức, trí thức văn học, sẽ giúp mình tiến triển về những mặt ấy; ngược lại, làm bạn với hạ đẳng chi nhơn như bạc bài hút xách du thủ du thực, điếm đàng trộm cắp thì sớm muộn gì đời mình cũng đi xuống hoặc mang họa không biết ngày nào.