Khi gặp người thua kém hơn mình thì ta khinh khi coi thường họ, nhưng khi gặp người thực sự tài giỏi, hơn ta về mọi mặt thì ta lại ganh ghét, tức tối, bực bội, tìm đủ mọi cách để nói xấu, chê bai, chỉ trích, mạ nhục người đó.
Thấy người tài giỏi, danh tiếng tốt, đạo cao đức trọng, mình sanh lòng đố kỵ ghen ghét. Thấy người vinh hiển, mình lấy làm bực tức khó chịu, trong lòng xốn xang, lộ ra cử chỉ không bằng lòng rồi kiếm chuyện nói xấu, làm cho giảm uy tín người đó.
Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh phát triển về mọi mặt ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa con người với nhau ngày càng phức tạp hơn bởi tâm lý ganh ghét, tật đố ngày càng nhiều. Ganh ghét, tật đố là gì? Do đâu mà có?
Sự “ganh ghét” xuất phát từ lòng ích kỷ, bởi sự tham lam của con người. Có thể nói hầu gần hết con người trên thế gian này đều mắc chứng bệnh ganh ghét, tật đố ngoại trừ các vị đại Bồ tát. Sự “ganh ghét, tật đố” khác với “ganh đua”. Nói tới “ganh đua” thì nó mang tinh thần tích cực hơn như chúng ta cùng nhau ganh đua để phát triển tài năng đóng góp lợi ích cho xã hội. Lòng ganh ghét thể hiện sự ích kỷ, nhỏ nhoi của con người bởi quan niệm đối nghịch nhau, luôn luôn đối đầu và để hạ uy tín nhau.
Trước hết sự ganh ghét, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa con người với nhau, anh chị em sống vui vẻ thuận thảo với nhau trước đây, bổng chốc đổ vỡ vì sự ganh ghét, do muốn mình giàu có hơn người. Lòng ganh đua để phát triển tài năng, sự ganh ghét, đố kỵ làm cản trở tiến trình phát triển tài năng của con người. Ngoài ra lòng ganh tỵ, có ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người.
Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần và tổn hại về sức khỏe. Họ luôn bị một chứng bệnh khổ sở “stress” hành hạ. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau được thì nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Ganh ghét và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, đia vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, nhân duyên, gia đình hạnh phúc, thành đạt là ta nảy sinh ganh ghét, đố kỵ… Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ganh ghét, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc. Phật dạy: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ. Người có tâm ganh ghét, tật đố sẽ khổ sở dai dẵng trong lòng.
Ganh ghét, tật đố là một trong những tâm phiền não được phát sinh bởi lòng ích kỷ. Từ tham mà sinh ra sân rồi dẫn đến làm phát triển tâm đố kỵ. Tật đố khác với sự ích kỷ nhưng lại bao hàm sự so sánh, hiềm hận và ganh tỵ. Vì sự ganh ghét trong việc thua kém hơn người khác nên ta tỏ ra thái độ đố kỵ, hiềm hận, thậm chí chúng ta còn mong muốn họ gặp thất bại trong cuộc sống.
Sự giàu sang của kẻ khác có thể khiến cho ta bực tức, khó chịu. Thấy bạn thành công trong sự nghiệp, ta lại chê bai, chỉ trích đủ thứ. Trong câu chuyện ngụ ngôn ăn khế trả vàng, người anh thì tranh giành hết những tài sản về phía mình, để lại cho người em những phương tiện kiếm sống khắc khổ và chẳng hề muốn người em thành tựu một điều gì.
Vì sự xan tham ích kỷ, cho nên con người phát sinh lòng tật đố không muốn ai được bằng mình và hơn mình. Ta ích kỷ vì không muốn phân chia tài sản, ta tật đố vì không muốn ai hơn mình.
Có năm loại tật đố: Thứ nhất là tật đố về trú xứ, như ganh tỵ nhau về nhà cửa, chỗ ở, trường học, chùa chiền…. Khi tâm tật đố nổi lên thì có sự phân biệt. Còn phân biệt hơn thua lâu ngày dẫn đến thù hằn ghét bỏ, gây khổ đau cho nhau. Nhà cửa thì muốn ở nhà cao cửa rộng tiên nghi vật chất đầy đủ, khi thấy ai hơn mình thì ta không hài lòng, cảm thấy ray rứt khó chịu vì sự hơn thua.
Nhiều anh chị em tranh giành nhà cửa đất đai dẫn đến thưa kiện mà cuối cùng cả thảy đều thất bại, làm khổ cha mẹ, anh em chia lìa, gia đình người thân trở thành kẻ thù. Cuộc đời là lẽ sống để chúng ta yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau không hết, huống hồ là tạo ra oan gia trái chủ. Chùa chiền tự viện thì tật đố về công việc, về giáo phẩm, về quan điểm sống của mỗi chùa có khác nhau… Chúng ta đi tu mục đích là để giác ngộ, giải thoát trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, tu là để chuyển nghiệp xấu thành tốt.
Thứ hai, tật đố về quyến thuộc liên quan đến gia đình, người thân, học trò, bạn bè và đồng nghiệp. Khi tâm ganh ghét, tật đố phát sinh sẽ gây ra sự xào xáo, bất hòa, không đoàn kết hổ trợ giúp đỡ lẫn nhau làm ảnh hưởng đến gia đình người thân và cộng đồng xã hội. Trong phạm vi gia đình, việc thương con, cha mẹ cũng khó mà thương đồng đều, sẽ có tình trạng thương đứa này nhiều thương đứa kia ít, đó là lẽ đương nhiên vì ảnh hưởng nhân duyên nghiệp báo của mỗi người mỗi khác, nên hay xãy ra chuyện so bì rồi dẫn đến ganh tị.
Học trò giỏi thì được thầy cô giáo quan tâm nhiều hơn, trong khi học trò kém thì sự giáo dục có hơi nghiêm khắc hơn, sẽ dễ tạo ra bất hòa. Tu sĩ chỉ muốn nhiều Phật tử tôn kính cúng dường cho riêng mình, thăm viếng, tham quan hoặc tu học chùa mình, thực tập pháp môn của mình, đọc sách kinh của mình dịch giảng giải, nghe pháp thoại của mình thì hết sức nguy hiểm, vô tình tạo nên mối bất hòa lớn giữa các tông phái.
Người tu sĩ cần phải ý thức trong việc thắp sáng lại ngọn đuốc của chính mình, làm cho nội tâm được thanh tịnh sáng suốt và tránh xa sự lợi dưỡng, cung kính để không bị kẹt vào vật phẩm cúng dường, chùa chiền, học trò, kinh sách, pháp môn thì mới có thể đi đến mục đích cuối cùng, là trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.
Tật đố trong quyến thuộc nguy hiểm đến nỗi, con người ta có thể chửi mắng, đánh đập dẫn đến sự giết hại nhiều hơn là bên ngoài xã hội. Một người cha quăng mấy đứa con xuống biển, chỉ vì hiềm khích với vợ. Vợ giết chồng chỉ vì không kiềm chế được cơn giận. Tâm sân, si sinh ra tật đố và hậu quả của tật đố là hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc.
Thứ ba là tật đố về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Sự không mong muốn những người khác thọ hưởng các nhu cầu tiện nghi vật chất lẫn tinh thần, khiến người ta điên đảo bực tức khó chịu và tỏ thái độ không hài lòng. Chúng ta chỉ muốn mình là người duy nhất được quyền cao chức trọng, giàu có thịnh vượng được an hưởng thái bình, được khen tặng, nếu thấy người khác hơn mình thì trong lòng không vui, chỉ muốn trù ẻo cho người kia mau chết sớm hoặc bị tai nạn. Đối với người tu, sự ganh ghét trong việc được cúng dường vật phẩm, tiền bạc hay được nhiều người ái mộ, sẽ dễ dàng làm cho chúng ta tự mãn, khinh khi coi thường những người khác.
Thứ tư là tật đố về danh vọng và sắc đẹp. Tật đố về danh vọng là không muốn ai có danh tiếng hay thành tựu hơn mình vì thấy ta là trung tâm vũ trụ, là tài giỏi hơn người. Những người có tâm như thế, chỉ muốn mình độc quyền trong thiên hạ, mình thống lĩnh cả thế giới và không chấp nhận ai hơn mình mà trên thực tế mình đã dỡ hơn họ. Ai có những tâm niệm đó chắc chắn sẽ lo lắng, sợ hãi và rất mệt mỏi, vì phải tìm đủ mọi cách để triệt hạ người khác. Tâm địa hẹp hòi như vậy chết rồi sẽ bị tái sinh làm người có hình dáng xấu xí, bị khuyết tật, dị dạng hoặc kém sức khỏe.
Người nam thường không thích người nam khác đẹp hơn mình. Người nữ thường không thích người nữ khác đẹp hơn mình. Nếu chúng ta thường xuyên quán chiếu, sẽ thấy rằng sỡ dĩ người ta đẹp là vì đã gieo nhân duyên lành nhiều kiếp mới có sắc đẹp như vậy, nhờ tâm hoan hỷ vui vẻ không ganh ghét tật đố với ai. Tuy nhiên, khi chúng ta có sắc đẹp mà còn biết tu hạnh buông xả nữa thì mau thành tựu viên mãn chí nguyện của mình. Làm đẹp thích đẹp là sở thích của số đông phụ nữ, nên họ được gọi là phái đẹp, đẹp mà có đức hạnh nữa như bà Tỳ Xá Khư ngày xưa, được mọi người tặng cho danh hiệu phước huệ vẹn toàn.
Thứ năm là tật đố về lời Phật dạy liên quan đến các pháp môn, phương pháp hành trì, công phu tu tập cho tất cả mọi người. Phật ra đời là tùy bệnh cho thuốc, vì chúng sinh có nhiều bệnh phiền não, nên Phật đưa ra nhiều phương thuốc để trị bệnh, ai hợp với thuốc nào thì mau lành bệnh.
Chúng ta tu tập là để tự độ mình và cứu độ tất cả chúng sinh, chúng ta chia sẻ hướng dẫn kinh nghiệm tu tập cho mọi người, biết được điều hay lẽ phải và cuối cùng là để được giác ngộ, giải thoát. Chúng ta chỉ hướng dẫn một cách nhiệt tình đúng theo tâm tư nguyện vọng của mọi người, ai cần pháp gì thì mình giúp pháp đó mà không kể công hay ganh tỵ với người khác.
Việc giáo hóa hướng dẫn mọi người khi có nhân duyên, trong kinh nói rõ cho dù người bệnh nặng hay bệnh nhẹ, chúng ta cũng đều phải ra tay chữa trị không phân biệt. Người Phật tử thường hay phân biệt khi cúng dường hoặc giúp đỡ ai, họ so đo tính toán coi trọng thầy này khinh thầy kia và chỉ nghĩ rằng thầy mình là số một không ai hơn. Và người Phật tử phần đông thì còn dính mắc nhiều hơn vào sự nghiệp tài sản, tình cảm luyến ái, cùng với những tiện nghi vật chất khác.
Do đó để chuyển hóa được tâm ganh ghét, tật đố chúng ta hảy nên hoan hỷ vui theo việc làm tốt của người khác. Người biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia thì sẽ được phước báo giàu sang trong hiện tại và mai sau. Người tùy hỷ việc làm thiện của người khác, sẽ không bị tâm ganh ghét làm tổn hại. Từ ganh ghét, tật đố dẫn đến oán giận, thù hằn rồi tìm cách giết hại lẫn nhau.