Advertisement

SỐNG THEO ÐẠO LÝ NHÀ PHẬT

09:31
Last Updated

Một tư tưởng gia đã nói : "ĐẠO PHẬT ĐÚNG RA KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO, MÀ LÀ MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG HƯỚNG THIỆN ĐỂ TIẾN HÓA" 

Câu phát biểu trên đây phải chăng muốn ám chỉ rằng : Phật giáo có một hệ thống cải thiện đời sống (thể chất lẫn tinh thần) khá rõ ràng và thực dụng ? Nếu quả thực như thế thì nhà tư tưởng kia, tuy xuyên qua một câu nói, chưa lột hết chân giá trị của đạo Phật, nhưng ít ra ông cũng đã phô bày được phần nào cái thực tế nhập thế của giáo lý đức Phật.

Thông thường khi đề cập đến vấn đề luân lý, người ta thường nêu ra một "hệ thống bổn phận", để đối xử giữa người nầy với người kia, giữa giới nầy với giới khác, giữa người dân đối với nhà nước, hay giữa cá nhân với xã hội. Vì "luân" là cái vòng xoay, có đi có lại, và "lý" là những lý lẽ hay phép tắc. Luân lý cũng là danh từ kép, viết ngắn của bốn chữ «luân thường đạo lý».
Nói khác đi, Luân lý là các điều ràng buộc, để con người đối xử qua lại với nhau cho hòa thuận, thích hợp, hầu tạo trật tự và an ninh chung.
Như thế đối với cái nhìn của xã hội, nhất là xã hội Á Ðông, luân lý là một thể thức sống của cá nhân trước cộng đồng, và chính đối tượng, cộng đồng mới là quan trọng, còn cá nhân chỉ là thứ yếu. Tuy "địa vị" của cá nhân cũng có đặt ra, nhưng chỉ đặt ra vì phải đối diện với xã hội, chứ không để đối diện với chính mình !
Ðây chính là điểm dị biệt giữa "luân lý" Phật giáo với một số qui ước luân lý và đạo đức của thế gian. Phật Giáo cho rằng"không có nội tâm hòa thì không có ngoại cảnh hòa", hay "không có cá nhân hòa thì không có quần chúng hòa"!
Nếu nền bình an chung của xã hội chẳng phải phát sinh do tham vọng của những người cầm quyền, dưới danh nghĩa bảo vệ “trật tự xã hội”, rồi áp đặt người dân thực hành theo một số qui luật, thì những “thảm kịch luân lý” đã không xảy ra. Mà một cách khác hẳn, nền bình an ấy phải hiện hữu và bền vững, khi mỗi cá nhân được văn hóa soi sáng, để tự nguyện đặt mình vào một đời sống hướng thiện và hướng thượng vừa cho mình, vừa cho người.
Nhóm chữ “hướng thiện và hướng thượng vừa cho mình, vừa cho người”, tự nó sẽ có hiệu lực cho cộng đồng xã hội một cách chắc chắn, mà không rơi vào vòng gượng ép. -Hướng thiện tức là không làm hại người khác. -Hướng thượng tức là đem lại an vui hạnh phúc thanh cao cho mọi sinh vật. Và sự tiến hóa cho mình lẫn cho người, chính là mục tiêu tu thân của đạo Phật. -Vì mình và người là một !
Ðức Phật là một bậc toàn giác. Tuy giáo lý của Ngài có đến 84.000 pháp môn, nhưng khởi đầu muốn cho các hàng Phật tử, qua căn bản tu thân, tiến bộ một cách thực tế, Ngài đã chỉ khuyến khích sự cải thiện đời sống hằng ngày bằng mười điều lành, có liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi tâm tính cố hữu trong mỗi con người. Mười phẩm hạnh nầy còn có tác dụng làm cho mọi hành động từ thân, từ khẩu, và từ ý của từng cá nhân, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng vừa tự lợi, vừa lợi tha.

Mười phẩm hạnh, hay “thập thiện” ấy là :
1-Yêu thương sự sống muôn loài. (không sát sinh).
2-Chỉ thụ hưởng những gì do mình tạo được một cách hợp pháp. (không trộm cắp)
3-Trung thành trong đạo nghĩa phu thê. (không tà dâm).
4-Ngôn ngữ luôn luôn chân thật. (không nói dối).
5-Ưa thích mọi người hòa thuận, hợp tác với nhau. (không đâm thọc, chia rẽ).
6-Khiêm nhượng, thanh nhã và lễ phép. (không dùng lời cộc cằn).
7-Tránh lười biếng, nhàn rỗi. (không nói chuyện phù phiếm, vô ích).
8-Không vọng tưởng đến của cải người khác. (không tham lam).
9-Tránh nóng giận, tránh bạo động và khoan dung. (không sân hận, ganh tị, cay cú).
10-Giữ mình trong chánh tín. (không si mê, lầm lạc).

(Theo Trung Bộ Kinh, Majjhima Nikãya, quyển II các trang 47-52).
Và để chan hòa với truyền thống văn hóa Việt Nam, vốn còn ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của Khổng giáo, chúng ta cũng có thể xếp 10 điều thiện nêu trên thành hai nhóm :
-Nhóm thứ nhất gồm các phẩm hạnh từ thứ 2 đến thứ 9, gọi là luân thường.
-Nhóm thứ nhì gồm hai phẩm hạnh thứ 1 và thứ 10, tức là đạo lý.
"Luân thường đạo lý" trong Phật giáo, ngoài cái vai trò là những nguyên tắc, để con người hướng thiện, rồi tự sống tiến hóa với nhau, nó còn là một phương pháp giúp cho xã hội được cải hóa, được khai sáng, và văn minh phát triển một cách liên tục.
Theo Tuệ Lạc 

https://www.facebook.com/phatphapnhiemmaumoi

Xem thêm