Advertisement

LÀM SAO ĐỂ MÌNH VÀ NGƯỜI LUÔN ĐƯỢC VUI

10:52
Last Updated

Một thiếu niên mười sáu tuổi đến hỏi nhà hiền triết bí quyết để có thể luôn vui vẻ và đem lại niềm vui cho người khác. Nhà hiền triết cười và nói:
- Nguyện vọng của một thiếu niên như con kể ra cũng khó đấy. Ta tặng con 4 câu nói nhé. Câu thứ nhất là: Hãy coi bản thân mình như chính người khác.
Cậu thiếu niên hỏi lại:
- Điều đó có phải là những lúc chúng ta cảm thấy đau khổ, ta coi bản thân mình như người khác thì đau khổ sẽ giảm bớt đi, còn những lúc chúng ta vui sướng thì hãy biết chia sẻ với người khác. Như thế thì niềm vui sẽ được nhân đôi?
Nhà hiền triết mỉm cười gật đầu và vui vẻ nói tiếp:
- Câu thứ hai là: Coi người khác như bản thân mình.
Cậu thiếu niên trầm tĩnh lại một lúc rồi hỏi:
- Điều đó có phải là cần thấu hiểu bất hạnh của người khác và hiểu cả những nhu cầu của họ cần giúp đỡ?
Nhà hiền triết tỏ ý hài lòng và tiếp tục nói:
- Câu thứ 3: Coi người khác như chính người khác.
Cậu thiếu niên suy nghĩ một lúc rồi phát biểu:
- Điều đó có nghĩa là cần phải tôn trọng tính độc lập của người khác, không nên xâm phạm quyền riêng tư của họ?
Nhà hiền triết mĩm cười và khen ngợi cậu thiếu niên thông minh, rồi nói luôn câu thứ 4:
- Hãy coi bản thân mình là chính bản thân mình. Câu nói này con hãy suy nghĩ cho thật kỹ.
Cậu thiếu niên đáp:
- Cũng được ạ. Nhưng bốn câu nói này con có thể thống nhất lại được không?
Nhà hiền triết mĩm cười trả lời:
- Con cần thời gian và kinh nghiệm cả một đời người.

Lời bình: Bốn câu nói tuy đơn giản nhưng nếu bạn và tôi đừng lãng quên và thường xuyên thực hành chúng thì chắc chắn hạnh phúc sẽ mãi không rời chúng ta.
Bởi khi bạn biết “Coi bản thân mình như chính người khác” thì bạn sẽ không bao giờ làm tổn thương họ, bạn sẽ luôn song hành với họ qua những cung bậc cảm xúc vui buồn trong cuộc sống. Từ đó niềm vui luôn được nhân đôi còn nỗi buồn đương nhiên sẽ vơi đi một nửa.
Khi bạn biết “Coi người khác như bản thân mình”, chính là lúc bạn đã và đang cảm nhận những nỗi đau thương mất mác của người kia, biết hiểu, biết cảm thông và sẳn sàng nâng đỡ khi người kia gặp khó khăn và hoạn nạn trong cuộc sống. Khi ấy bạn sẽ cảm nhận được rằng hạnh phúc có từ những gì ta nhận được luôn ít hơn nhiều so với khi bạn biết cho đi.
Khi bạn biết “Coi người khác như chính người khác”, là khi bạn biết tin tưởng, tôn trọng những tín ngưỡng, phong tục, tập quán và những không gian riêng tư của người kia, để họ có thể tự do đi lại, tự do hít thở không khí thiên nhiên khi cần. Chứ không phải khi bạn thương họ rồi thì mãi theo giữ họ như em bé hay tệ hơn nữa là như phạm nhân, như người lính gác cổng thì chính bạn đã và đang xiết chặt, làm nghẹt thở hạnh phúc của mình rồi.
Khi bạn biết “Hãy coi bản thân mình là chính bản thân mình”, vì chỉ có như vậy bạn mới biết mình mình là ai và phải làm sao mới phù hợp với thực tế, bạn mới đủ sáng suốt mà quyết định những việc quan trọng của đời mình. Thậm chí khi giữa mọi người, những bàn tay còn e dè chưa mạnh dạng ủng hộ bạn, khi ấy bạn nhất định phải tự tin vào chính mình, tự nhủ mình có thể làm được. Bởi “không có chiến thắng nào oanh liệt bằng khi bạn chiến thắng chính mình”.
Tóm lại, để cảm nhận được hạnh phúc thật sự thì chính bạn phải là người đã từng sống, từng trải nghiệm lâu và rất lâu mới có thể hiểu hết được. Đôi khi có những bài học ta phải trả giá bằng cả một đời vì quyết định vội vả của mình. Ở đời, luôn hy sinh người khác là một việc làm rất tốt, nhưng nếu bạn biết quan tâm đến bản thân, đến sức khỏe và cảm xúc mình một chút thì càng tốt hơn. Bởi đơn giản một điều, nếu bạn muốn gánh vác tiếp cho người thì bạn phải có điều kiện và sức khỏe, muốn nhảy xuống nước cứu người thì bạn phải biết bơi….
Mãi đau buồn và nuối tiếc về chuyện đã qua, nó không giúp quá khứ sống lại, mà còn làm cho hiện tại xấu đi.
                                                                                                                         DD Thích Phước Huệ

Xem thêm